Đức là đất nước phát triển thứ tư trên thế giới, là nền kinh tế lớn mạnh nhất châu Âu. Theo đó, quốc gia này đứng thứ ba về lượng du học sinh chỉ sau Anh và Mỹ. Với điều kiện hấp dẫn là thế nhưng học phí tại Đức gần như bằng 0 và chi phí sinh hoạt được đánh giá là rẻ hơn rất nhiều các quốc gia châu Âu khác. Cùng tìm hiểu xem hệ thống giáo dục nơi đây đặc biệt như thế nào với chi phí rẻ như vậy.
1/ Phân loại các bậc học tại Đức
So với hệ thống giáo dục tại Mỹ, bậc tiểu học và THCS tại Đức tương đối phức tạp hơn.
Hệ mẫu giáo:
Các trường mẫu giáo tại Đức đều được vận hành bởi nhà thờ hoặc tổ chức phi lợi nhuận, chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ. Hệ thống này được chia nhỏ thành nhiều lớp:
- Kinderkrippe: dành cho trẻ từ 8 tuần đến 3 tuổi
- Kita: dành cho trẻ từ 3 đến 6 tuổi (từ 7h sáng đến 5h chiều)
- Kindergarten: Dành cho trẻ từ 3 đến 6 tuổi (nửa ngày hoặc cả ngày)
- Hort hay Schulhort: cung cấp dịch vụ chăm sóc sau giờ học cho học sinh tiểu học
Hệ giáo dục tiểu học:
Đến 6 tuổi, trẻ em tại Đức sẽ nhập học vào trường tiểu học (còn gọi là Grundschule) trong 4 năm. Riêng tại Berlin và Brandenburg, bậc tiểu học kéo dài đến 6 năm. Hầu hết các trường có kỳ nhập học vào tháng 9 hàng năm.
Hệ giáo dục phổ thông
Sau khi kết thúc chương trình tiểu học (bình thường là 10 tuổi và 12 tuổi tại Berlin và Brandenburg), học sinh sẽ chọn lựa một trong 5 loại giáo dục phổ thông sau:
- Hauptschule (dành cho lớp 5-9 hoặc 5-10): là lựa chọn kém phổ biến nhất tại Đức, phù hợp cho các học sinh có định hướng kinh doanh và tham gia vào các khu công nghiệp trong tương lai. Hauptschule cung cấp cho học sinh các khóa đào tạo nghề, phần lớn học sinh sẽ tham gia làm việc part-time ở vị trí học việc. Sau khi hoàn thành bài thi cuối khóa (cuối lớp 9 hoặc 10), phần lớn học sinh sẽ chuyển đến học tại Berufsschule- một loại trường dạy nghề trong 2 năm.
- Realschule (dành cho lớp 5-10): khoảng 40% học sinh lựa chọn hình thức này tại Đức mỗi năm. Loại hình này có tính chất tương tự bậc học tại Mỹ. Học sinh sẽ được giảng dạy những kiến thức học thuật căn bản.
- Mittelschule (lớp 5-10): loại hình này là kết hợp giữa học nghề và học lý thuyết (kết hợp giữa Hauptschule và Realschule)
- Gymnasium (dành cho lớp 5-12 hoặc 5-13): phù hợp với học sinh có mong muốn vào đại học. Hiện nay, chương trình học của Gymnasium rất nặng về lý thuyết (học 2 loại ngoại ngữ, với các kiến thức khó trong toán học và các môn khoa học)
- Gesamtschule (dành cho lớp 5-12 hoặc 5-13) trực thuộc bang, là sự kết hợp của ba loại hình trên.
Hệ giáo dục sau phổ thông:
- Berufsschule (trường dạy nghề- từ 2 đến 3 năm): không thuộc hê thống giáo dục công lập nhưng lại được đầu tư và bảo trợ bởi chính phủ liên bang. Berufsschule kết hợp giữa giáo dục lý thuyết và học nghề. Phần lớn học sinh sẽ có chứng chỉ sau khi hoàn thành Realschule và Mittelschule để được chấp nhận vào Beufsschule
- Giáo dục đại học (higher education): tính đến năm 2013, Đức có tổng cộng 427 cơ sở giáo dục bậc đại học. Trong đó có 6 cơ sở đào tạo sư phạm, 17 trường đạo, 52 cao đẳng nghệ thuật, 215 học viện kỹ thuật, và 20 viện đào tạo các bang. Chỉ có khoảng dưới 100 trường tư nhân tại Đức
- Hệ thống các trường đại học tổng hợp : các chương trình giảng dạy luôn phải được tuân thủ và định hướng theo nghiên cứu dựa trên nguyên tắc duy nhất: “Sự thống nhất trong nghiên cứu và giảng dạy”. Hệ thống những trường này luôn đóng vai trò nòng cốt trong giáo dục đại học Đức từ trước đến nay.
- Hệ thống các trường đại học khoa học ứng dụng: Chương trình đào tạo định hướng thực tiễn, chuyên sâu vào kiến thức nghề nghiệp và kỹ năng chuyên môn. Các chương trình đào tạo luôn được tổ chức, sắp xếp chặt chẽ nên thời gian học tập được rút ngắn hơn (thông thường là 4 năm). Đặc biệt sinh viên của các trường thực hành có thể dễ dàng xin việc sau khi tốt nghiệp vì phần lớn các doanh nghiệp Đức cũng như doanh nghiệp Việt Nam đều muốn tuyển dụng những nhân viên có tay nghề và thực hành giỏi.
2/ Sinh viên quốc tế đều sẽ được miễn học phí khi đến Đức
Đến thời điểm hiện tại tất cả các trường đạ học và cao đẳng công lập tại Cộng Hòa Liên Bang Đức chỉ thu một khoản phí rất nhỏ chỉ từ €500 (vào khoảng 13-14 triệu VND), gọi là phí sinh viên, khoản phí này bao gồm tất cả chi phí hành chính, phí hoạt động, sử dụng cơ sở vật chất của trường, hỗ trợ sử dụng phương tiện công cộng… Khoản tiền này thậm chí còn không bằng chi phí dành cho sách vở của môt sinh viên học tại Mỹ.
Và vì sao sinh viên quốc tế được miễn học phí khi đến Đức?
+ Thứ nhất: Các trường công tại Đức không đầu tư quá nhiều vào việc xây ký túc xá và các tòa nhà tiện ích trong khuôn viên trường. Thay vào đó tại đây chủ yếu là phòng học, phòng chức năng và thư viện. Không giống như ở Mỹ có các tòa nhà tiện ích như gym, công viên trong trường, không có tòa nhà hội sinh viên trị giá hàng tỉ USD (với cả một rạp chiếu phim xa xỉ bên trong) hay ký túc xá như khu nghỉ dưỡng. Bình thường, du học sinh tại Đức sẽ ở homestay với người bản xứ hoặc thuê những căn hộ riêng biệt. Đó là một trong những lý do khiến các trường công tại đây có thể miễn học phí cho sinh viên.
+ Thứ hai: Số lượng học sinh một lớp tại Đức lên tới 200 sinh viên, trong khi con số này tại Mỹ và Anh chỉ khoảng 20. Một hội trường lớn như vậy cũng chỉ được vận hành bởi một giáo sư và 1 trợ giảng. Điều này cũng làm giảm chi phí học tập cho sinh viên. Không những thế, sinh viên ở một số bậc học cao còn có thể không cần đến lớp mà chỉ yêu cầu vượt qua bài thi hoặc bài nghiên cứu cuối khóa.
+ Thứ ba: Phải khẳng định một điều rằng, hệ thống giáo dục tại Đức chỉ khác biệt chứ không hề thua kém hơn Hoa Kỳ hay bất kỳ một quốc gia nào khác. Sự khác biệt lớn nhất là học phí miễn phí, nhưng nếu bạn học tập không chuyên cần, không cố gắng thì mức phí thi lại rất cao. Giáo dục tại Đức là giáo dục thực chất, không phải giáo dục thương mại nên đối với sinh viên lơ là việc học, khả năng cao sẽ không thể ra trường.